Khai sáng
Vài nét về tiểu sử của Thượng Tọa Thích Thiện Nghị
Sáng lập Chùa Tam Bảo
Hội Trưởng Hội Phật Giáo Chánh Pháp
Thượng Tọa Thích Thiện Nghị tục danh Lê Quí Tấn, sanh ngày 1 tháng 11 năm 1933, tại quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, miền nam trung phần Việt Nam. Thân phụ của Ngài là Lê Đình, thân mẫu là Nguyễn Thị. Ông Bà sanh hạ được 4 người con, 3 trai 1 gái. Ngài là người thứ nhì trong 4 anh em. Thân phụ của Ngài lúc đương thời là một nhà giáo Hán học được gọi là xuất sắc trong vùng. Thân mẫu là một người sùng tín Phật giáo rất gương mẫu. Vào năm 1940, thân phụ của Thượng Tọa qua đời, Ngài còn cắp sách đi học.
Nhưng cái chết của ông cụ là một động cơ mạnh cho cuộc xuất gia của Thượng Tọa. Khi ấy, Hòa Thượng Bảo Thành là trụ trì của ngôi chùa Tổ đình Thiên Bảo. Được biết Hòa Thượng Bảo Thành là một vị chân tu trong thời kỳ này. Hòa Thượng không những là vị bổn sư của Thượng Tọa mà còn là bổn sư cả gia đình của Thượng Tọa nữa. Thượng Tọa đã có cơ duyên rất hiếm được theo hầu Hòa Thượng suốt gần 10 năm. Đến năm 1949, Hòa Thượng viên tịch ngày 25 tháng 10 ÂL, sau khi công phu buổi sáng ra. Theo tinh thần của hàng xuất gia học đạo Thượng Tọa đại diện cho hàng ngàn tín đồ đệ tử của Hòa Thượng thọ tang sau khi lễ nhập tháp nhục thể của Hòa Thượng xong. Thượng Tọa liên tục ở luôn trong chùa suốt thời gian 100 ngày không ra khỏi cổng chùa để cầu nguyện và ôn lại những gì mà Hòa Thượng đã dạy. Chính trong thời kỳ này Thượng Tọa mới định hướng được cuộc sống cho đạo phải như thế nào. Do đó buổi lễ 100 ngày xong, Thượng Tọa đem câu nói của Hòa Thượng dạy:
"Tu không học như kẻ mù dạo phố,
Học không tu như ngựa lừa đeo trân bảo."
Chính lời dạy của Hòa Thượng là một động cơ thúc đẩy Thượng Tọa đóng cửa chùa trốn tín đồ. Cố gắng cầu học mặc dù thiếu thốn đủ mọi mặt, Ngài tách rời quê hương để tầm sư học đạo từ Ninh Hòa vào Nha Trang trên một chiếc xe lửa chở củi. Thượng tọa mang theo chỉ có một gói quần áo y hậu và một khúc bánh mì. Khi đến Nha Trang Ngài xin vào chùa Đức Quang để ở làm công quả và công phu, để được đi học ở Phật học viện Hải Đức.
Đến năm 1955 là năm đất nước chia đôi 2 miền: quốc gia và cộng sản. Trong giai đoạn này Phật học viện cũng bị ảnh hưởng. Học đường xem như đóng cửa. Cũng năm này, tháng 9 sau buổi lễ cúng vía Đức Quán Thế Âm xong, Thượng Tọa mua vé xe lửa hạng ba, đi vào Sài Gòn với một vị Hòa Thượng nhờ vị này dẫn Thượng Tọa đem gởi Thượng Tọa tại chùa Phật Quang, đường Đào Duy Từ, quận 10 Sài Gòn. Thật là một dịp may không có hai, nhờ vị Hòa Thượng từ Nha Trang vào, có quen với Hòa Thượng trú trì Chùa Phật Quang mà được thu nhận dễ dãi. Từ đây, mỗi ngày Thượng Tọa đến Phật Học đường Ấn Quang xin tu học nhưng ngoại trú suốt thời gian gần 3 năm. Vào mùa thu 1958, trường tổ chức thi tốt nghiệp trung học cho học tăng. Thượng Tọa được đậu trong kỳ này nên được vào nội trú, và củng năm 1958 trường tổ chức đại giới đàn. Thượng Tọa thọ đại giới. Trong đại giới đàn này, đàn đầu Hòa Thượng là Hòa Thượng Thích Khánh Anh, Yết Ma A Xà Lê: Hòa Thượng Hành Trụ, Giáo Thọ A Xà Lê: Hòa Thượng Thiện Hòa.
Thượng Tọa là một vị học tăng chẳng những chăm chỉ cầu học nội điển hơn nữa Thượng Tọa vốn sẵn khá Hán văn được gọi là nổi bậc trong chúng nên sự học kinh điển có phần nổi bậc hơn những vị khác. Thời gian trôi qua rất nhanh, vào năm 1962 thì Ngài tốt nghiệp cao đẳng được xếp hàng thứ 5, của Phật Học Viện Ấn Quang và sau đó Thượng Tọa được bổ nhiệm làm Giám Đốc Phật Học Đường Giác Sanh tại Phú Thọ, Sài Gòn trong năm đó.
Năm 1963, chánh phủ Ngô Đình Diệm muốn tiêu diệt Phật Giáo và bắt buộc tín đồ Phật Giáo phải bỏ đạo theo Thiên Chúa Giáo. Chánh phủ này đã dùng quân đội đàn áp và hạ cờ Phật Giáo vào ngày Đại Lễ Phật đản 1963 và dùng súng bắn vào đoàn thể tín đồ và Tăng Ni trong một cuộc biểu tình đòi tự do tín ngưỡng. Họ đã bắt nhiều tín đồ và tu sĩ Phật Giáo vào tù. Dưới chế độ tàn ác đó, nhiều vị tu sĩ đã hy sinh thân mạng bằng cách tự đốt thân để chống lại sự đàn áp dã mam này qua tinh thần bất bạo động. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, chánh phủ bị các tướng lãnh quân đội đảo chính lật đổ chế độ nhà Ngô.
Suốt trong thời gian tranh đấu cho tự do tín ngưỡng đến năm 1964, Thượng Tọa Thích Thiện Nghị được thanh niên Tăng Ni đề cử làm chủ tịch của đoàn thanh niên Tăng Ni.
Từ năm 1965 đến 1967 Ngài là giáo sư dạy các Tăng Ni tại các Phật Học đường ở Sài Gòn như Huệ Quang, Huệ Nghiêm, Dược Sư, Minh Đức, Hoa Quang và các học đường miền lục tỉnh, như Phật Học Viện Huyền Trang, Phật Học Viện Phổ Đức ở Mỹ Tho, nam phần Việt Nam. Trong đầu năm 1968, Ngài cảm thấy sở học cũng chưa làm gì được, hơn nữa đất nước chiến tranh triền miên, nên Ngài xin phép Giáo Hội để du lịch. Khi đến Đài Loan, Ngài quyết định lưu lại Đài Loan và xin vào Chùa Phật Quang Sơn lưu trú tu học. Ngài viện trưởng rất hoan hỷ, được biết Phật học viện Phật Quang Sơn được xem là lớn nhất ở Đài Loan. Ngài viện trưởng trường này là Hòa Thượng Thích Tinh Vân. Nhờ sự giới thiệu của Hòa Thượng Tình Vân mà Hòa Thượng Hội Tánh rất hoan hỷ dạy về Tạng luật Phật Giáo cho Thượng Tọa. Thượng Tọa học Tạng luật suốt 5 năm mới xong. và vì phương tiện không đủ nên cuối năm 1973 Ngài trở về Việt Nam. Các Phật học đường mời Thượng Tọa dạy Tạng luật cho các Phật Học Viện mà trước đây Ngài đã dạy và khóa giảng sư do Hòa Thượng Huyền Vi làm giám đốc và cũng năm này tại hội trường Viện Hóa Đạo tổ chức bầu trưởng đoàn thanh niên tăng ni, Thượng Tọa được một lần nữa đắc cử đầu phiếu đa số tuyệt đối. Với tinh thần lợi tha với trách nhiệm của bậc trưởng thượng vì đàn hậu tấn, Ngài dạy học tại các Phật Học viện nhưng không nhận thù lao ở bất cứ Phật Học viện nào.
Năm 1975, sau khi Việt Cộng xâm chiếm miền nam, các Phật Viện Tăng Ni bị giải tán. Sau đó, Giáo Hội kêu gọi Tăng Ni qui tụ tại Phật Học viện đại Tòng Lâm ở Bà Rịa Vũng Tàu, để tự túc cánh sanh tránh sự lệ thuộc thao túng của chánh quyền cộng sản. Trong thời gian này, Thượng Tọa đã được Viện Hóa Đạo mời dạy và làm Đốc Giáo cho Phật Học Viện này cùng với sự hợp tác giảng dạy của Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Minh Châu, Thượng Tọa Thắng Hoan và Thượng Tọa Thuyền Ấn.
Thượng Tọa cũng đứng trong hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Phật Giáo ra tiếng Việt trong đó Hòa Thượng Trí Tịnh làm chủ tịch. Một ban nghiên cứu dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam bằng chữ Nôm mà chủ tịch là Hòa Thượng Trí Thủ. Trong ban này gồm có như Thượng Tọa, Đại Đức Nử Trí Hải, Đại Đức Tuệ Sĩ, Đại Đức Trí Siêu (Lê Mạnh Thác), vv... để ghi lại dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam nhưng công tác này thực hiện chưa bao lâu thì bị tạm ngưng vô thời hạn vì chánh quyền Việt Cộng cấm chỉ vậy.
Sau khi du học Đài Loan về Ngài đã dịch bộ bách nhứt pháp yết ma và bộ căn bản luật tỳ kheo và tỳ kheo ni, sắp xong thì bị đình chỉ vì ảnh hưởng quốc nạn. Nhiều lần Ngài tìm cách vượt thoát chế độ Việt Cộng bằng cách vượt biên nhưng bị thất bại. Sau cùng vào ngày 12/7/1979, Ngài đã vượt khỏi chế độ bạo tàn và tạm trú tại đảo tỵ nạn Pulau Bidong trong một năm và năm 1980 Ngài đã định cư tại thành phố Montréal.
Canada là một quốc gia tự do, có thể truyền bá Phật giáo được. Do đó sau khi định cư xong, Ngài đã cố gắng phát triển Phật Giáo tại đây bằng mọi cách theo khả năng của Ngài, ở xứ này đối với Phật Giáo thật sự qua xa lạ với người địa phương xứ Bắc mỹ này. Nhưng Ngài đã từng giảng diễn về ý nghĩa của một ngôi chùa Phật Giáo cũng như sự ích lợi thiết thực của một đạo tràng tu học. Dần dần số Phật tử tìm về Phật Giáo rất khả quan vậy.
Những hoạt động xiển dương Phật Pháp
1982 | Ngài đã khai sáng và thành lập Chùa Tam Bảo Hội Phật Giáo Chánh Pháp tại Montréal với nhiều hội viên, gồm nhiều sắc tộc. |
1983 | Tổ Chức Đại Giới Đàn Tịnh Khiết. Truyền đại giới vào tháng 10 năm 1983. Ngài khai sáng và thành lập chùa Hoa Nghiêm Hội Phật Giáo Chánh Giác Toronto và đề cử Đại Đức Thích Quảng Lượng, đệ tử của Ngài làm Hội trưởng và trụ trì tại đây. Các hội viên rất đông và gồm nhiều sắc tộc. Thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Canada. |
1984 | Ngài phát nguyện nhập thất 1 năm để cầu nguyện cho Phật sự xứ này được thông thuận. |
1987 | Ngài đã đến thành phố Winnipeg, Manitoba và thành lập chùa Hải Hội, Hội Phật Giáo Chánh Đạo với khá đông hội viên, nhiều sắc tộc, gồm cả người địa phương. |
1988 | Ngài triệu tập một buổi họp bất thường với những thành phần có trách nhiệm của Tổng Hội. Ngài chuyển danh xưng của Tổng Hội thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Canada. Thành lập Hội Phật Giáo Chánh Tâm ở Saskatoon, Saskatchewan và Niệm Phật Đường Chánh Tâm. Đến năm 1991, cải niệm Phật đường thành Chùa Chánh Tâm với hơn 100 hội viên. |
1990 | Thành lập Hội Phật Giáo Chánh Tín, Chùa Hải Đức tại Regina Saskaschewan. |
Một số các Hội Phật Giáo cũng xin gia nhập và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Ngài làm Tổng Hội Trưởng. Thượng Tọa Nguyên Tịnh làm Tổng Hội Phó ngay từ đầu. Ở miền đông thì Thượng Tọa xiển dương, ở miền tây thì có Thượng Tọa Nguyên Tịnh tận tâm vì Chánh Pháp Phật đà hoạt động. Thời gian tuy không là bao nhưng cơ sở tổ chức cho đến hệ thống hóa của giáo hội được có phần khả quan hiện nay như HPG Thiền Tôn ở Vancouver, HPG Phật Quang Edmonton, HPG Chánh Trí tại London Ontario và HPG Vạn Hạnh tại Victoria, vv.
Để tiếp tục xiển dương Phật pháp trong tương lai và độ hàng xuất gia hậu tấn, cũng như giữ gìn những mỹ tục cổ truyền của Phật Giáo và dân tộc Việt Nam, vào tháng 9 năm 1988 Ngài đã đứng ra mua 337 mẫu đất tại vùng Harrington, Québec. Trên những mẫu đất rộng lớn này, Ngài đang kiến tạo lại 4 thánh tích quan trọng của đức Phật, một đại hùng trang nghiêm Thiên Phật Điện, một thư viện với hơn 500 ngàn quyển sách tôn giáo và đang làm những con đường lên núi đi lễ Phật và một Phật Học viện Tam Bảo Sơn. Chương trình dự định này trong 10 năm với kinh phí trên 10 triệu đồng. Tại Phật Học viện Tam Bảo Sơn, Thượng Tọa đang hướng dẫn Học Tăng tham học hiện có 10 vị nội trú tu học theo chương trình nội điển (theo chương trình như ở quê nhà), ngoài ra còn có chương trình sinh ngữ Anh Pháp do Đại Đức Nữ Quảng Oánh hướng dẫn. Đại Đức Nữ Quảng Oánh là một nhà sư Phật giáo đầu tiên được ra trường theo chương trình cao học ở đây về môn triết học đông phương tại xứ Bắc Mỹ này. Đại Đức Nữ Quảng Oánh chẳng những dạy về sinh ngữ mà còn hướng dẫn vài môn nội điển của Học đường và kiêm chức đốc giáo của Phật Học Đường Tam Bảo Sơn để giúp học đường có nhiều triển vọng khả quan hơn cho đàn hậu tấn.
Thượng Tọa Thích Thiện Nghị cũng là một vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam đầu tiên đến Canada. Ngài đang làm những Phật sự để phát huy Phật Giáo tại xứ Bắc Mỹ. Mặc dù có rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính để xây cất và những thay đổi trong tinh thần của vài người Phật tử nhưng Ngài đã dạy rằng những chướng ngại trong Phật sự là một điều nhắc nhở phải cố gắng hơn lên. Người xưa dạy: Không có sự thới lai nào mà không phát xuất từ trong bĩ cực.
Hiện nay Ngài còn là cố vấn trong GHPGVNTN tại Hoa Kỳ mà Thượng Tọa Thích Đức Niệm là chủ tịch vậy.
Tóm lại, nhân dịp tờ báo kỷ niệm 10 năm từ khi thành lập chùa Tam Bảo năm 1982 vì chúng tôi muốn sự gắn liền ngôi Chùa với người sáng lập có sự liên hệ chân thật, nên mạo muội ghi lại vài đoạn tiểu sử của Thượng Tọa từ khi Ngài xuất gia hành Phật sự tại quê nhà cũng như vượt biên đến định cư ở Canada này trong 10 năm qua được lưu trong tờ báo trong đoản kỳ 50 năm của Ngài hiện hữu. Còn theo chương trình kiến thiết Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn cho đến ngày hoàn tất trong 8 năm tới với phần Phật sự này chúng tôi sẻ cố gắng tiếp tục ghi lại trong tờ báo 10 năm sau.
Đây là vài nét biên lại với sự cẩn thận của chúng tôi nếu có thiếu sót nơi nào xin Ngài tha cho và xin cố gắng vâng làm.
Đệ tử Phổ Tịnh ghi